6 CÂU HỎI PHỎNG VẤN GIÁO VIÊN HAY GẶP NHẤT

Vượt qua một cuộc phỏng vấn xin việc làm thường là một trải nghiệm không hề dễ dàng với hầu hết những người đi xin việc, đặc biệt là trong ngành giáo dục, các giáo viên không những đòi hỏi chuyên môn cao mà còn phải thấu hiểu được suy nghĩ – tâm lý của học sinh/sinh viên

Trong phần phỏng vấn, mục tiêu của nhà tuyển dụng là để tìm hiểu xem bạn có phù hợp với trung tâm không, và tính cách của bạn có khớp với văn hóa, triết lý giáo dục của họ không.
Điều quan trọng nhất khi trả lời các câu hỏi phỏng vấn là các bạn cần trung thực, cho trung tâm thấy bạn có phong thái chuyên nghiệp, hành động rõ ràng, có “lửa” trong người và sẵn sàng cống hiến và mang lại giá trị cho công ty.

Sau đây là các câu hỏi mà đa phần các bạn sẽ được hỏi, và gợi ý để các bạn trả lời:

1. Tại sao bạn lại chọn công việc giảng dạy?

Câu hỏi này để thăm dò xem bạn có phù hợp với việc giảng dạy và có thể gắn bó lâu dài với giáo dục hay không.

TRẢ LỜI: Với câu hỏi này, đừng trả lời theo kiểu rập khuôn như “mình muốn đóng góp cho sự nghiệp giáo dục” hay “mình muốn rèn luyện tiếng Anh thông qua việc giảng dạy”. Các bạn cứ trung thực chia sẻ lý do vì sao mình chọn đi dạy, nếu bạn đã từng vật vã với tiếng Anh và muốn giúp học trò được học một cách tốt nhất, hãy kể câu chuyện của mình. Nếu bạn được tiếp cận với các phương pháp hay ở nước ngoài và muốn truyền đạt lại cho mọi người, hãy mạnh dạn chia sẻ nha!

Còn nếu bạn chưa biết lý do vì sao mình chọn nghề đi dạy? Hãy ngồi xuống suy ngẫm, trò chuyện với bản thân để tìm ra câu trả lời nhé.

2. Kinh nghiệm giảng dạy của bạn?

Image result for teacher

 Câu hỏi này để kiểm tra xem bạn đã có những trải nghiệm nào trong việc giảng dạy, qua cách bạn trả lời, nhà tuyển dụng sẽ đánh giá được ngay bạn là “tân binh” hay “cựu binh” trong việc giảng dạy.

TRẢ LỜI: bạn đã dạy bao nhiêu giờ, cho bao nhiêu học viên, quan trọng nhất là kể ra NHỮNG THÀNH TỰU mà học viên của bạn đã đạt được, có video, hình ảnh chứng minh là một điểm cộng.

VD 1: Tôi đã luyện thi IELTS cho 30 bạn, và trong đó 3 bạn từ IELTS 4.5 lên 6.5 trong 9 tháng, các bạn còn lại sau 1 năm thì lên được IELTS 5.5.

VD 2: Tôi đã dạy giao tiếp cho 100 bé từ 6-12 tuổi, và có 20 bé đã thi lấy bằng Cambridge được 14-15 khiên, có 2 bé đã có thể giao tiếp với người thân bằng tiếng Anh (show video ra).

3. Bạn đã dạy những giáo trình nào?

Tương tự như câu hỏi về kinh nghiệm, câu này cũng để kiểm tra trải nghiệm giảng dạy của bạn đến đâu.

TRẢ LỜI: kể tên các chương trình bạn đã dạy, nhấn mạnh các giáo trình mà bạn biết trung tâm đang xài, chứng tỏ là bạn có nghiên cứu trước.

4. Bạn dạy từ vựng/ nghe/ đọc/… theo cách nào?

Câu hỏi này để xem bạn có để ý đến việc dạy tiếng Anh của mình không, bạn rút ra được gì từ quá trình giảng dạy, có tìm tòi nghiên cứu hay không và có đem những điều mình đúc kết được đến cho học trò không.

TRẢ LỜI: Nói rõ TÊN PHƯƠNG PHÁP mà mình đang dùng (TPR, Phonics, Communicative, Activity-based,…), việc này đòi hỏi các bạn phải dành thời gian tìm tòi, nghiên cứu và thực sự trải nghiệm qua các phương pháp này rồi mới có thể chia sẻ một cách tự tin và thuyết phục được. Các phương pháp này đều đã được tổng hợp chi tiết và đầy đủ trong khóa học đào tạo giáo viên chuyên nghiệp TESOL Premium tại Simple English.

5. Theo bạn, kỹ năng tiếng Anh nào là quan trọng nhất?

Câu hỏi này để xem bạn chú trọng đến phần nào trong bài dạy của mình và trọng tâm của bạn có giống với nội dung dạy của trung tâm không.

TRẢ LỜI: Trong quá trình giảng dạy, bạn thấy kỹ năng nào học trò cần nhất để có thể sử dụng tiếng Anh thành thạo? Vì sao như vậy? – Nếu bạn có câu chuyện về học trò chú trọng vào kỹ năng bạn dạy và tiến bộ, hãy khoe ngay nhé!

VD: Tôi nghĩ kỹ năng nghe là quan trọng nhất, vì nghe là input (đầu vào) tiên quyết, phải nghe hiểu tốt thì mới giao tiếp tốt được. Tôi đã dạy một học viên luyện nghe rất chăm chỉ, sau 6 tháng, bạn đã nghe hiểu đồng nghiệp nói và tự tin lên rất nhiều, không bị sợ khi nghe đồng nghiệp người nước ngoài nói tiếng Anh vèo vèo nữa

 

6.  Bạn còn câu hỏi nào không?

– Thường tới lúc nghe câu này là chúng ta đã rất muốn kết thúc buổi phỏng vấn để ra về rồi, nhưng đừng vội nhé các bạn, đây là cơ hội cuối cùng để chúng ta tạo ấn tượng tốt với nhà tuyển dụng và thể hiện phong thái chuyên nghiệp, nghiêm túc với công việc của mình.

HỎI LẠI: Các câu hỏi bạn có thể hỏi để tìm hiểu thêm về trung tâm (nếu bạn chưa được cung cấp thông tin)
– Các phương pháp giảng dạy & giáo trình mà trung tâm đang sử dụng là gì?
– Độ tuổi giảng dạy chính của trung tâm?
– Outcome quan trọng nhất mà giáo viên cần hoàn thành trong lớp là gì?
– Quy trình training & nhận lớp thế nào? Giáo viên có được quan sát và feedback chi tiết không?
– Nếu không nghe đề cập đến lương, các bạn cứ mạnh dạn hỏi “còn vấn đề lương thì thế nào ạ?”, để được thông tin chi tiết rõ ràng, mình không bị thiếu thông tin nhé
– Kết quả sẽ được thông báo thế nào? Nếu được nhận thì khi nào tôi có thể nhận lớp?

Bên cạnh việc nắm được ý đồ của nhà tuyển dụng khi phỏng vấn, chúng ta cần phải có sự chuẩn bị kỹ càng để thể hiện bản thân tốt nhất trong bất kỳ cuộc phỏng vấn nào. Các bạn hãy dành ra 1 buổi, ngồi viết xuống triết lý giáo dục của mình, những điểm mạnh yếu của bản thân, kinh nghiệm giảng dạy, cách mình xử lý tình huống,… (có thể dựa trên các câu hỏi trên) và luyện tập nói cho thật suôn sẻ, thật truyền cảm nhé.

Chúc các bạn chiến thắng vang dội trong các cuộc phỏng vấn sắp tới!